Giỏ hàng
  • Giờ mở cửa
  • Từ 8:00 - 19:00, Thứ 2 - CN (bao gồm cả các ngày lễ, ngày Tết)
0

Giỏ hàng trống

  • Bạn chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng!

LƯỢC SỬ VỀ BIA

Bia nói một cách tổng thể, là một loại đồ uống chứa cồn được sản xuất bằng quá trình lên men đường lơ lửng trong môi trường lỏng và nó không được chưng cất sau khi lên men. Theo bách khoa toàn thư lịch sử cổ đại, từ những năm 3.500-3.100 trước Công nguyên, con người tin rằng bia là loại đồ uống sạch, tinh khiết hơn cả nước khoáng. Bởi các vi khuẩn gây hại đã chết trong quá trình lên men và bia có chứa nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt mà các loại đồ uống khác không có.
Bia được ra đời từ lúc nào ? Quá trình phát triển ra làm sao ? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé

Lược sử về Bia – thức uống từ thời cổ đại của các vị thần

Một số thực nghiệm cho thấy bia đã được làm cách đây khoảng 5500 năm trước tại vùng đất nay là Iran. Ngoài ra những phát hiện khảo cổ học cũng cho thấy người dân Trung Quốc dã ủ những đồ uống có cồn lên men trên quy mô nhỏ lẻ, với quá trình sản xuất tương tự.

Biên lai bia Alulu – một biên lai chứng nhận việc mua bia "tốt nhất" 

vào năm 2050 TCN từ thành phố cổ Ur của người Sumer, Iraq cổ đại.

Ở vùng Lưỡng Hà (Iraq cổ đại), bằng chứng sớm của bia là bài thơ 3.900 năm tuổi của người Sumer tôn vinh nữ thần bảo trợ nghề làm bia Ninkasi, trong bài thơ đó có các công thức bia lâu đời nhất còn đến nay, mô tả quá trình làm bia từ lúa mạch thông qua bánh mỳ.

“Ninkasi, you are the one

You are the one who holds with both hands the great sweet wort...

Ninkasi, you are the one who pours out the filtered beer of the collector vat,

It is [like] the onrush of Tigris và Euphrates.”

Tạm dịch:

“Ninkasi, người là người duy nhất

Người là người duy nhất giữ cả hai tay mạch nha ngọt lịm...

Ninkasi, người là người duy nhất rót ra dòng bia thanh lọc từ hũ chứa,

Nó là [giống như] nước sông Tigris và Euphrates ùa tới.”

Bức tranh Nữ thần Nikasi được phóng tác theo phong cách hiện đại

Bia cũng được đề cập tới trong Sử thi Gilgamesh (ai coi phim Eternals mới ra rạp 2021 thì nhớ anh chàng Gilgamesh lên men bia ngô bằng cách nào rồi ấy hehehe), trong đó 'người đàn ông hoang dã' Enkidu đã lấy bia để uống. "...anh ăn cho đến khi anh no, uống bảy bình bia, trái tim anh trở nên nhẹ hơn, khuôn mặt anh tỏa sáng và anh cất tiếng hát với niềm vui."

Bằng chứng văn tự cổ xác nhận việc làm bia ở Armenia có thể lấy từ trong tác phẩm Anabasis của Xenophon (thế kỷ 5 TCN), khi ông tới một trong những ngôi làng Armenia cổ đại và ông viết:

“Trong đó có lúa mì, lúa mạch và rau quả, và rượu vang được làm từ lúa mạch trong các bát lớn; những hạt mạch nha lúa mạch nằm trôi nổi trong đồ uống lên đến tận miệng của vại, và có cả que sậy trong đó, một số que dài hơn, một số que ngắn hơn, không khớp nhau; khi bạn khát bạn phải lấy một que sậy trong đó đưa lên miệng và hút. Đồ uống không pha thêm nước rất mạnh, và của một hương vị thơm ngon tới những khẩu vị nhất định, nhưng hương vị này phải mua.”

Thiên sử thi Kalevala của người Phần Lan, được tập hợp lại thành dạng văn bản vào thế kỷ 19, nhưng dựa trên các bản truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, đã dành nhiều dòng cho nguồn gốc của bia và việc sản xuất bia hơn là dành cho nguồn gốc của loài người.

Gần hơn, bia đã từng là quan trọng đối với người La Mã trong thời kỳ đầu, nhưng trong thời kỳ Cộng hòa La Mã thì rượu vang đã thay thế bia như là một đồ uống chứa cồn được ưa chuộng hơn. Bia trở thành đồ uống được coi là thích hợp cho những người man rợ; Tacitus đã viết một cách đầy chê bai về bia được các giống người Đức sản xuất trong thời đại của ông.

Người Thracia cũng được biết là đã sử dụng bia sản xuất từ lúa mạch đen, thậm chí từ thế kỷ 5 TCN, như Hellanicos đã viết trong vở các opêra. Tên gọi cho bia của họ là brutos hay brytos.

Bài hát khi uống bia của người Anh "Beer, Beer Beer" quy việc phát minh ra bia cho nhân vật có lẽ là viễn tưởng Charlie Mopps:

A long time ago, way back in history

When all there was to drink was nothin' but cups of tea,

Along came a man by the name of Charlie Mopps

And he invented the wonderful drink, and he made it out of hops

Tạm dịch:

Ngày xưa, ngược dòng lịch sử

Khi mọi người chẳng có gì để uống ngoài nước chè,

Một người có tên gọi Charlie Mopps đã đến

Và ông đã phát minh ra một loại đồ uống tuyệt vời, và ông làm ra nó từ hoa bia.

Nguồn gốc tên gọi “BIA”

Từ bia tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Pháp bière /bjɛʁ/. Danh từ tiếng Pháp Bière thì có gốc động từ bibere (có nghĩa là uống) tiếng Latinh. Nhiều ngôn ngữ Tây Âu cũng dùng danh từ tương tự như bière của tiếng Pháp. Khi thức uống này du nhập Việt Nam dưới thời Pháp thuộc thì người Việt một thời gọi bia là "rượu bọt". Dần dần từ “BIA” được ra đời là cách gọi Việt hóa của từ bière

Sản xuất bia sơ khai tại châu Âu

Châu Âu trung cổ chủ yếu sản xuất bia theo quy mô gia đình và mãi tới thế kỷ 14,15 mới thực sự chuyển sang hoạt động thủ công và kinh doanh với các quán và tu viện kinh doanh.

Ở thời điểm này, tất cả các loại đồ uống được lên men đều hiểu là bia. Có hai loại bia trên thế giới là bia Ale và bia Lager. Bia Ale được sản xuất theo phương pháp lên men nổi, nhiệt độ cao, có hương vị hoa quả. Bia Lager làm theo phương pháp lên men chìm, nhiệt độ thấp, phổ biến ở châu Âu. Loại bia này không khiến người uống cảm thấy nhức đầu hoặc say như bia Ale. Lager trong tiếng Đức nghĩa là "cất giữ". Người Đức từ thời trung cổ đã bắt đầu ủ bia trong các hang băng giá của dãy núi Alps.

Năm 1516, Luật Tinh Khiết (Reinheitsgebot) được thông qua bởi Công tước xứ Bavaria, William IV, quy định rằng thành phần của bia chỉ được bao gồm nước, lúa mạch và hoa bia (từ năm 1857 bổ sung thêm men bia vào luật nhờ phát kiến của Luis Pasteur). Từ thời điêm đó, Luật gebot, có lẽ là luật về thực phẩm lâu đời nhất còn áp dụng đến nay, đã trở thành tiêu chuẩn cho độ tinh khiết cho bia cho tới ngày nay.

Sự bổ sung hoa bia vào bia để tạo vị đắng, bảo quản và hương vị cho bia là một phát kiến tương đối mới: trong thời Trung cổ nhiều hỗn hợp khác của các loại thảo mộc thông thường được cho vào bia chứ không phải hoa bia. Các hỗn hợp này thông thường được gọi là gruit. Hoa bia đã được trồng tại Pháp sớm nhất là vào khoảng thế kỷ 9; văn bản cổ nhất còn sót lại có ghi chép về việc sử dụng hoa bia trong bia có niên đại vào năm 1067 bởi nữ tu viện trưởng kiêm nhà văn Hildegard: "Nếu người ta định làm bia từ yến mạch, nó được chuẩn bị cùng hoa bia."

Ở Anh vào thế kỷ 15, bia chỉ có nước, mạch nha và men bia, được hiểu như là ale. Hoa bia được du nhập vào Anh từ Hà Lan và chỉ được trồng ở dất nước này từ những năm 1428. Với sự ra đời của động cơ hơi nước năm 1765, hoạt động sản xuất bia được thúc đẩy mạnh mẽ và công nghiệp hóa sản xuất bia từ đây trở không còn là giấc mơ.

Bia du nhập vào Việt Nam

Cũng tương tự như bánh mì, bia du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 thông qua người Pháp. Xưởng bia đầu tiên tại Việt Nam được thành lập từ năm 1890 bởi ông Alfred Hommel, nhằm thỏa mãn nhu cầu uống bia của lính Pháp cùng người dân viễn xứ, hơn là đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa khi ấy vẫn chưa thực sự đón nhận loại thức uống này vì đơn giản họ vẫn còn quen với các loại rượu gạo truyền thống. Sau 45 năm, nhà máy của ông đã có quy mô 300 công nhân với khả năng sản xuất khoảng 5 triệu lít bia mỗi ngày. Trong suốt thời gian này, bia dần trở thành thứ thức uống phổ biến trong đại chúng, không chỉ vì sự thời thượng, mà còn vì nó nhẹ hơn rượu cũng như rẻ hơn so với rượu nhập khẩu.

Đến năm 1957, nhà máy bia Hommel thuộc về quyền kiểm soát của nhà nước, chính thức trở thành nhà máy bia Hà Nội, là tiền đề của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) ngày nay. Vào năm 1960, nhà máy bia Hà Nội đã cho ra đời một tuyệt phẩm làm say lòng bao thế hệ người Việt. Đó chính là bia hơi, loại bia có độ cồn nhẹ - tầm 2-4%, hương vị béo và thơm.

(Nguồn tham khảo: Wikipedia)